Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

PHẠM THẮNG VŨ - Con sóng dữ - KỲ 44



                                      (tiếp theo)

Chị Phượng cho biết mỗi barrack ở zone 3 đều có 10 phòng vệ sinh cùng một nhà bếp tập thể. Sáng nào cũng vậy, trại sẽ bơm nước phân phối vào từng dẫy barrack và mỗi đầu người thì được cấp cho 30 lít nước dùng để nấu ăn, sinh hoạt. Tuy vậy, chuyện tắm táp hoặc giặt rũ thì cũng phải xuống dưới suối ở zone 4, chỗ mà chập tối chúng tôi vừa tắm. Ai có tiền thì mua thùng phi sắt hoặc thuê người đóng các con heo lớn để chứa nước mưa xài thêm. Anh Khảm-chị Phượng cũng có một con heo lớn và hai cái phi sắt chứa nước mưa nằm phía bên ngoài sát cạnh các cửa sổ. Như vậy, cuộc sống của họ quá ngon so với đám chúng tôi cùng các barrack lợp lá tạm bợ ở zone 4 bây giờ. Vậy mà anh Khảm còn so sánh chỗ đang ở với các barrack bên trong Galang 2, tôi liền hỏi:

- Có Galang 2 nữa hả anh? Trước giờ em chỉ nghe nói đến Galang không mà thôi.

- Phải! Chỗ mình là Galang 1 em à. Galang 2 cách xa đây độ 3 km đường mà còn có Galang 3 và cả Galang 4 nữa... cũng ở trên đảo nầy. Các barrack trong Galang 2 sạch và tiện nghi hơn ngoài Galang 1 mình nhiều. Mỗi barrack trong đó có 10 phòng và cứ 2 hoặc 3 người thì ở chung một phòng mà còn có cả bếp riêng nữa đó.

Rồi anh Khảm lấy ra một cái thùng gỗ khá rộng, nói của đám bạn đi định cư để lại cho anh nhưng không dùng đến nên giờ cho tôi để có cái mà chứa đồ đạc riêng. Ngồi chơi thêm một lát thì đám chúng tôi cáo từ anh chị Khảm-Phượng để về chuẩn bị ngủ. Đi ngược theo lối cũ quay trở ra khu phố, tôi thấy trời tuy đã hơn 10 giờ đêm nhưng trong các quán cà phê vẫn còn khách ngồi đồng ở các bàn không khác gì bên quê nhà. Các tiệm tạp hoá của người địa phương thì đang dọn dẹp hàng hóa bày bán ở phía bên ngoài nhà họ. Trên đường, vài người Việt tản bộ hoặc ngồi im lặng hút thuốc ở các băng ghế dựng sát bên các hàng cây.

Về tới barrack thì tôi thấy ông Thăng đang trò chuyện với một thanh niên trong nhóm của Tám Kiệt ngay giữa lối đi sát bên chỗ ở của cả đám. Gặp bọn tôi, ông Thăng liền nói: " Hai cậu Vũ và Đỉnh ở gần bên, có gì thì giúp cho mấy người hàng xóm mới nầy nghe ". Thì ra, ông Thăng vừa đổi chỗ cho một nhóm người khác thế vào chỗ của nhóm cũ. Hàng xóm mới của chúng tôi là hai đứa bé một nằm và một ngồi trên tấm chiếu sát cạnh cây đèn dã chiến cùng ba phụ nữ đang loay hoay bên đống đồ đạc của họ. Một trong số họ là người phụ nữ mà tôi và Đỉnh đã bắt gặp trong rừng bên Malaysia thuộc nhóm Tám Kiệt. Hai phụ nữ kia cùng hai đứa bé là khách đi trong ghe. Anh thanh niên trong nhóm Tám Kiệt đã giúp làm một con heo nước nhỏ cùng sắp xếp gọn gàng chỗ ở mới của 5 người, nói với người phụ nữ đó: " Chị Tư! Tạm thời tối nay mấy chị ở như vậy đi, mai sáng thì em sẽ dọn cho gọn hơn ". Người phụ nữ có tên chị Tư đáp: " Chú làm gọn lắm, thôi về nghỉ đi, chị cảm ơn nhiều ".

Từ lúc được ban Đại diện trại sắp xếp ghe chúng tôi vào zone 4 cho đến giờ vì lu bu việc dọn dẹp sau đó thì ra suối tắm rồi theo anh Khảm-chị Phượng đi quán, tôi cũng chưa biết chỗ ở của từng nhóm người trong hai barrack nầy. Hai cô Đào, Bẩy trải lại các tấm chiếu còn Yến thì ngồi lúi húi mồi lửa một khoanh nhang trừ muỗi. Đỉnh khen Yến giỏi vì cả bọn đang lo tối nay ngủ không có mùng sao chịu nổi với bầy muỗi đói. Yến trả lời: " Chị Phượng bảo ba đứa em mua chứ có ai biết gì đâu hả anh Đỉnh. Ban nãy đi mấy tiệm kiếm mua cái mùng lớn mà cũng hết, phải vào Galang 2 mới có ".

Thấy mọi việc đã tạm ổn, tôi và Đỉnh bỏ ra ngoài barrack thì gặp một nhúm người đang đứng trò chuyện ở bãi đất trống ngăn cách giữa hai barrack. Có cả ông Thăng, Phát trong số họ nên tôi và Đỉnh tò mò dừng lại nghe chuyện. " Mình phải làm cấp tốc ngay sáng mai anh Thăng à! Không thì kẹt lắm ", ông Hưng nói. Đỉnh chen vào hỏi thì mới biết 2 bararck mà zone 4 cấp cho ghe chúng tôi ở lại chưa có cái nhà cầu nào. Ông Thăng tiếp lời: " Tụi Tây Phương đi đến đâu thì họ đều làm cái chỗ đi vệ sinh trước hết sau mới tới nhà ở. Tôi đang lo sáng mai không biết mấy người trong ghe mình lấy chỗ nào mà xả bầu tâm sự đây? Trước mắt thì thân ai nấy lo rồi, đành phải vậy thôi. Chắc tôi phải hỏi xem ông zone trưởng coi có dư nhà vệ sinh nào khác để cho ghe mình dùng tạm nhưng giờ thì tối quá rồi không dám làm phiền ông ấy nữa. Chưa bao giờ tôi mệt như ngày hôm nay, còn chưa đi tắm được nữa nè ".

Trăng bây giờ mới mọc, chiếu ánh sáng vàng vọt trên khu barrack lợp lá nằm sát bìa rừng trông tương tự những nhà sàn của người thiểu số ở vùng cao nguyên nước Việt. Tôi và Đỉnh quay về barrack, dưới ánh đèn lù mù, mọi người đã nằm yên lặng trên các tấm chiếu. Đến chỗ của cả bọn, 3 cô gái đã nằm gọn co quắp sát bên nhau và chừa phân nửa phần chiếu còn lại cho Đỉnh với tôi. Đỉnh ngồi vụt xuống nơi mép tấm chiếu sát bên chỗ của nhóm phụ nữ-con nít bên cạnh và nó nói nhỏ: " Em xí chỗ này, cho anh nằm gần mấy cô đó ". Coi lại thì chỗ tôi nằm sát bên với Yến.

Tôi nằm yên, ngửa mặt lên trần căn barrack lá tối đen và dù mắt đã nhắm thật lâu nhưng vẫn chưa ngủ được trong đêm trường tĩnh mịch. Tôi nhổm đầu lên nhìn chung quanh, các ngọn đèn dã chiến đã tắt nhưng nhờ có trăng sáng bên ngoài hắt vào qua các chỗ trống nên vẫn trông rõ nhiều thân người nằm dài im lặng bên nhau. Tôi buông xuôi hai tay dọc theo thân mình vừa lúc thì Đỉnh xoay tấm thân và hẩy người tôi về sát bên Yến rồi ngay sau đó nó lại lấn sang đẩy tôi thêm lần nữa. Hai tay tôi giờ đã chạm sát bên thân người của Yến và tai tôi thì nghe nàng thở nhè nhẹ cùng tiếng của Đỉnh chép miệng ngủ mê. Nhìn đồng hồ dạ quang đã 2 giờ sáng mà tôi vẫn thức, không biết do lạ chỗ, vì ly cà phê sữa đá uống lúc chập tối hay vì nằm sát bên người Yến? Đỉnh lại xoay người, ép sát vào tôi nên buộc tôi phải xoay thân mình nằm nghiêng như nó. Đỉnh vẫn thở đều đều, có lúc cục cựa thân mình rồi nó choàng một tay lên bờ vai tôi. Gió đêm thổi qua thông vào barrack làm tóc của Yến bay loà xoà vào cổ và vào cả mặt tôi. Tôi khẽ dơ tay vuốt bỏ những sợi tóc của nàng xuống thì trời ơi, tay của Đỉnh đã chộp lấy tay tôi và nó đặt nhẹ lên người của Yến. Tôi hốt hoảng vì việc làm bất ngờ của Đỉnh nhưng chưa kịp có phản ứng gì thì Yến đã nắm lấy bàn tay tôi và hất ra khỏi thân người nàng ngay.

Phản ứng của Yến thật nhanh, đột ngột làm tôi có chút sững sờ. Thì ra nãy giờ, 3 đứa tôi nằm đó nhưng vẫn thức. Tôi nằm yên, chút áy náy lẫn bực bội vì việc xảy ra. Không biết Yến có hiểu cho tôi không?

Vừa lúc, có tiếng thét ở cuối barrack làm nhiều người lồm cồm chồm dậy. Các đèn dã chiến được người trong barrack thắp lên chung với ánh đèn pin từ tay người nào đó loang loáng soi đường. Tôi và Đỉnh cùng các người khác vội chạy đến chỗ có tiếng thét đó. " Con gì vừa cắn tui xong ở chỗ này nè. Đau quá! Không biết có phải rắn độc không? Cứu tui ngay, bà con ơi ", một thanh niên khuôn mặt thất thần, hai tay anh đang ôm phần dưới bắp chân trái mà miệng run run, nói lắp bắp đứt quãng. Ánh đèn pin chiếu ngay phần chân gần mắt cá của anh ta, soi rõ một vết đỏ nhỏ còn ri rỉ máu. " Rắn rồi mà chưa rõ độc hay lành đây... Để phòng cho chắc, mình phải làm ga rốt ngay kẻo không nọc chạy vào tim ", người cầm đèn pin đó nói. Một sợi dây được mang đến và nhanh chóng nó được cột chặt ở phần trên chỗ bị thương của nạn nhân. Ông Thăng đã có mặt liền, trong vẻ mệt mỏi vì mất ngủ, bảo với anh thanh niên: " Tôi đi báo cho ông zone trưởng biết để gọi xe cấp cứu ngay đây, cậu ráng chịu đựng một chút nha ".

Tin rắn bò vào chỗ ngủ cắn người loan ra làm ai trong barrack cũng sợ, đảo mắt nhìn những chỗ tối đen của phần vách trống bên phía rừng và nghĩ còn vài con rắn nữa đang chờ sẵn đâu đó. Một ông bày cách lấy ít dầu hôi đem rảy về phía vách trống và cả những chỗ nghi ngờ khác, mong để rắn hay bọ cạp ngửi thấy mùi sẽ sợ, phải bỏ đi. Trời khuya lạnh lại chưa có mền đắp nên hầu như người nào cũng phải khoác thêm quần áo lên người cho ấm. Ông Phát nói: " Tôi nghĩ, barrack mình ở là đám đất hoang cây cối um tùm, hang con rắn nầy nằm đâu đó đến khi mình vào dọn dẹp, nó bỏ đi rồi khuya quay về và chân cậu này chạm phải nên đã bị cắn chứ thực ra giống rắn thường tránh người ".

Cậu thanh niên được dìu từ barrack ra gần đường nhựa để chờ xe nhà thương đón trong tình trạng người rũ rượi, có lẽ do nọc độc chạy và vì sợ hãi mà thực sự chúng tôi cũng đang sợ đây. Ra tới ngoài sân, chúng tôi cùng đứng chùm nhum từng đám nhỏ ba, bốn người với nhau. Trời về sáng, trăng mọc từ lâu trải ánh vàng trên các hàng cây cùng mái lá của các bararck nằm im trong cái tĩnh mịch chung quanh trông như một làng quê đêm khuya. Vài trật tự viên của zone đi tuần nghe chuyện cũng ghé vào chỗ chúng tôi, một người trong bọn họ nói: " Mấy ông cột ga rốt ngay coi như an toàn. Galang nhiều rắn lắm nhưng được cái tụi Indo trị rắn cắn và sốt rét rất tài. Cậu này đến nhà thương, bác sĩ nó chích cho một mũi là khoẻ ngay. Sống ở đây, mình chỉ ớn bị đau ruột dư thôi ". Người khác thì khe khẽ: " Không phải rắn độc cắn đâu. Nếu đúng rắn độc cắn thì khác. Cái này tại quá sợ nên chả mới vậy, tui nhìn biết mà ". 

Tiếng động cơ vọng đến và rồi ánh đèn pha xe hơi xuất hiện ở đầu bờ dốc, ông Thăng cùng các trật tự viên vội chạy ra đón. Chiếc xe trắng cùng huy hiệu Hồng Thập Tự liền ngừng, hai nhân viên y tế người Việt nhẩy xuống phụ sức với các thanh niên trong barrack dìu nạn nhân lên xe. Ông Thăng cắt một thanh niên khác đi theo xe trông chừng, thấy việc đã xong, các trật tự viên bảo chúng tôi tan hàng về lại barrark ngủ. Vừa tới cửa barrack, tôi gặp một bóng người đang đứng và khi lại gần thật không ngờ đó là Yến. Lúc nãy, tôi vẫn thấy nàng nằm tại chỗ bên cạnh Đào và Bẩy sao giờ lại có mặt ở đây. Thấy tôi, Yến ra dấu đứng lại rồi nàng nói chầm chậm thật rõ: " Anh Vũ không được làm như vậy nữa với em ". 

Nàng lập lại thêm lần nữa trước khi bỏ vào barrack, để tôi đứng đó một mình trong sượng sùng lẫn mắc cỡ. " Trời ơi! Đỉnh! Mày đâu rồi ", tôi than thầm.

Tôi đứng yên tại chỗ rồi từ từ ngồi bệt xuống đất, nghỉ là phải chi có Đỉnh ở đây để nghe được lời Yến vừa nói thì hay biết bao! Và, chắc tôi sẽ mắng cho nó một trận cho hả. Ngồi đó nhưng lại sợ gió khuya lạnh làm tôi cảm nên phải quay về chỗ của mình. Yến đã nằm yên co quắp thân như con tôm, nhắm mắt như đã ngủ từ lâu. Nhẹ nhàng tôi nằm xuống, cố tránh đụng vào nàng. Tiếng Đỉnh thở nhè nhẹ đều đều, tôi đá nhẹ vào chân nó nhưng nó vẫn bất động. " Không biết thằng này mày đã ngủ thật hay còn giả vờ ", tôi lầm thầm. 

Một buổi sáng sớm cách hai ngày sau, 5 đứa chúng tôi theo anh chị Khảm-Phượng vào Galang 2 để mua đồ dùng cá nhân. Galang 1 cách Galang 2 độ 3 km và chỉ có một đường đi độc nhất. Nhiều khúc đường, cây rừng lẫn lau sậy hoặc cỏ chùm mọc lấn ra tận hai bên mép lộ. Chúng tôi đi ngang qua các barrack lợp lá của zone 2 rồi tiếp đến zone 1 nằm dọc theo bên đường. Barrack nào trông cũng cũ, bầy hầy vì chắp vá của người tị nạn ngay chỗ họ tá túc. Vài nơi bên cạnh đường là nguyên cả vườn rau cải chung với các giàn bầu, bí nằm xen lẫn với các nếp nhà nho nhỏ như chòi lá. Chị Phượng nói các căn nhà đó đều của người Việt vì khi ghe chị đến trại thì chỗ này vẫn còn là bãi rừng thưa. Biết phải tạm dung ở đây lâu và vì không thích sống chung đụng trong barrack chật hẹp nên một số người xin phép tụi P3V ra đây trồng trọt rau trái bán kiếm thêm. Dọc đường, theo anh Khảm cho biết thì trong trại tị nạn Galang có 2 nhà thờ Công Giáo, 2 nhà thờ Tin Lành, 2 chùa Phật Giáo, 1 Thánh Thất Cao Đài, 1 nhà thờ phượng Hòa Hảo và 1 Trung Tâm Chơn Lý của một tín đồ Thông Thiên Học. 


                                   (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét