Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

PHẠM THẮNG VŨ - Con sóng dữ - KỲ 44



                                      (tiếp theo)

Chị Phượng cho biết mỗi barrack ở zone 3 đều có 10 phòng vệ sinh cùng một nhà bếp tập thể. Sáng nào cũng vậy, trại sẽ bơm nước phân phối vào từng dẫy barrack và mỗi đầu người thì được cấp cho 30 lít nước dùng để nấu ăn, sinh hoạt. Tuy vậy, chuyện tắm táp hoặc giặt rũ thì cũng phải xuống dưới suối ở zone 4, chỗ mà chập tối chúng tôi vừa tắm. Ai có tiền thì mua thùng phi sắt hoặc thuê người đóng các con heo lớn để chứa nước mưa xài thêm. Anh Khảm-chị Phượng cũng có một con heo lớn và hai cái phi sắt chứa nước mưa nằm phía bên ngoài sát cạnh các cửa sổ. Như vậy, cuộc sống của họ quá ngon so với đám chúng tôi cùng các barrack lợp lá tạm bợ ở zone 4 bây giờ. Vậy mà anh Khảm còn so sánh chỗ đang ở với các barrack bên trong Galang 2, tôi liền hỏi:

- Có Galang 2 nữa hả anh? Trước giờ em chỉ nghe nói đến Galang không mà thôi.

- Phải! Chỗ mình là Galang 1 em à. Galang 2 cách xa đây độ 3 km đường mà còn có Galang 3 và cả Galang 4 nữa... cũng ở trên đảo nầy. Các barrack trong Galang 2 sạch và tiện nghi hơn ngoài Galang 1 mình nhiều. Mỗi barrack trong đó có 10 phòng và cứ 2 hoặc 3 người thì ở chung một phòng mà còn có cả bếp riêng nữa đó.

Rồi anh Khảm lấy ra một cái thùng gỗ khá rộng, nói của đám bạn đi định cư để lại cho anh nhưng không dùng đến nên giờ cho tôi để có cái mà chứa đồ đạc riêng. Ngồi chơi thêm một lát thì đám chúng tôi cáo từ anh chị Khảm-Phượng để về chuẩn bị ngủ. Đi ngược theo lối cũ quay trở ra khu phố, tôi thấy trời tuy đã hơn 10 giờ đêm nhưng trong các quán cà phê vẫn còn khách ngồi đồng ở các bàn không khác gì bên quê nhà. Các tiệm tạp hoá của người địa phương thì đang dọn dẹp hàng hóa bày bán ở phía bên ngoài nhà họ. Trên đường, vài người Việt tản bộ hoặc ngồi im lặng hút thuốc ở các băng ghế dựng sát bên các hàng cây.

Về tới barrack thì tôi thấy ông Thăng đang trò chuyện với một thanh niên trong nhóm của Tám Kiệt ngay giữa lối đi sát bên chỗ ở của cả đám. Gặp bọn tôi, ông Thăng liền nói: " Hai cậu Vũ và Đỉnh ở gần bên, có gì thì giúp cho mấy người hàng xóm mới nầy nghe ". Thì ra, ông Thăng vừa đổi chỗ cho một nhóm người khác thế vào chỗ của nhóm cũ. Hàng xóm mới của chúng tôi là hai đứa bé một nằm và một ngồi trên tấm chiếu sát cạnh cây đèn dã chiến cùng ba phụ nữ đang loay hoay bên đống đồ đạc của họ. Một trong số họ là người phụ nữ mà tôi và Đỉnh đã bắt gặp trong rừng bên Malaysia thuộc nhóm Tám Kiệt. Hai phụ nữ kia cùng hai đứa bé là khách đi trong ghe. Anh thanh niên trong nhóm Tám Kiệt đã giúp làm một con heo nước nhỏ cùng sắp xếp gọn gàng chỗ ở mới của 5 người, nói với người phụ nữ đó: " Chị Tư! Tạm thời tối nay mấy chị ở như vậy đi, mai sáng thì em sẽ dọn cho gọn hơn ". Người phụ nữ có tên chị Tư đáp: " Chú làm gọn lắm, thôi về nghỉ đi, chị cảm ơn nhiều ".

Từ lúc được ban Đại diện trại sắp xếp ghe chúng tôi vào zone 4 cho đến giờ vì lu bu việc dọn dẹp sau đó thì ra suối tắm rồi theo anh Khảm-chị Phượng đi quán, tôi cũng chưa biết chỗ ở của từng nhóm người trong hai barrack nầy. Hai cô Đào, Bẩy trải lại các tấm chiếu còn Yến thì ngồi lúi húi mồi lửa một khoanh nhang trừ muỗi. Đỉnh khen Yến giỏi vì cả bọn đang lo tối nay ngủ không có mùng sao chịu nổi với bầy muỗi đói. Yến trả lời: " Chị Phượng bảo ba đứa em mua chứ có ai biết gì đâu hả anh Đỉnh. Ban nãy đi mấy tiệm kiếm mua cái mùng lớn mà cũng hết, phải vào Galang 2 mới có ".

Thấy mọi việc đã tạm ổn, tôi và Đỉnh bỏ ra ngoài barrack thì gặp một nhúm người đang đứng trò chuyện ở bãi đất trống ngăn cách giữa hai barrack. Có cả ông Thăng, Phát trong số họ nên tôi và Đỉnh tò mò dừng lại nghe chuyện. " Mình phải làm cấp tốc ngay sáng mai anh Thăng à! Không thì kẹt lắm ", ông Hưng nói. Đỉnh chen vào hỏi thì mới biết 2 bararck mà zone 4 cấp cho ghe chúng tôi ở lại chưa có cái nhà cầu nào. Ông Thăng tiếp lời: " Tụi Tây Phương đi đến đâu thì họ đều làm cái chỗ đi vệ sinh trước hết sau mới tới nhà ở. Tôi đang lo sáng mai không biết mấy người trong ghe mình lấy chỗ nào mà xả bầu tâm sự đây? Trước mắt thì thân ai nấy lo rồi, đành phải vậy thôi. Chắc tôi phải hỏi xem ông zone trưởng coi có dư nhà vệ sinh nào khác để cho ghe mình dùng tạm nhưng giờ thì tối quá rồi không dám làm phiền ông ấy nữa. Chưa bao giờ tôi mệt như ngày hôm nay, còn chưa đi tắm được nữa nè ".

Trăng bây giờ mới mọc, chiếu ánh sáng vàng vọt trên khu barrack lợp lá nằm sát bìa rừng trông tương tự những nhà sàn của người thiểu số ở vùng cao nguyên nước Việt. Tôi và Đỉnh quay về barrack, dưới ánh đèn lù mù, mọi người đã nằm yên lặng trên các tấm chiếu. Đến chỗ của cả bọn, 3 cô gái đã nằm gọn co quắp sát bên nhau và chừa phân nửa phần chiếu còn lại cho Đỉnh với tôi. Đỉnh ngồi vụt xuống nơi mép tấm chiếu sát bên chỗ của nhóm phụ nữ-con nít bên cạnh và nó nói nhỏ: " Em xí chỗ này, cho anh nằm gần mấy cô đó ". Coi lại thì chỗ tôi nằm sát bên với Yến.

Tôi nằm yên, ngửa mặt lên trần căn barrack lá tối đen và dù mắt đã nhắm thật lâu nhưng vẫn chưa ngủ được trong đêm trường tĩnh mịch. Tôi nhổm đầu lên nhìn chung quanh, các ngọn đèn dã chiến đã tắt nhưng nhờ có trăng sáng bên ngoài hắt vào qua các chỗ trống nên vẫn trông rõ nhiều thân người nằm dài im lặng bên nhau. Tôi buông xuôi hai tay dọc theo thân mình vừa lúc thì Đỉnh xoay tấm thân và hẩy người tôi về sát bên Yến rồi ngay sau đó nó lại lấn sang đẩy tôi thêm lần nữa. Hai tay tôi giờ đã chạm sát bên thân người của Yến và tai tôi thì nghe nàng thở nhè nhẹ cùng tiếng của Đỉnh chép miệng ngủ mê. Nhìn đồng hồ dạ quang đã 2 giờ sáng mà tôi vẫn thức, không biết do lạ chỗ, vì ly cà phê sữa đá uống lúc chập tối hay vì nằm sát bên người Yến? Đỉnh lại xoay người, ép sát vào tôi nên buộc tôi phải xoay thân mình nằm nghiêng như nó. Đỉnh vẫn thở đều đều, có lúc cục cựa thân mình rồi nó choàng một tay lên bờ vai tôi. Gió đêm thổi qua thông vào barrack làm tóc của Yến bay loà xoà vào cổ và vào cả mặt tôi. Tôi khẽ dơ tay vuốt bỏ những sợi tóc của nàng xuống thì trời ơi, tay của Đỉnh đã chộp lấy tay tôi và nó đặt nhẹ lên người của Yến. Tôi hốt hoảng vì việc làm bất ngờ của Đỉnh nhưng chưa kịp có phản ứng gì thì Yến đã nắm lấy bàn tay tôi và hất ra khỏi thân người nàng ngay.

Phản ứng của Yến thật nhanh, đột ngột làm tôi có chút sững sờ. Thì ra nãy giờ, 3 đứa tôi nằm đó nhưng vẫn thức. Tôi nằm yên, chút áy náy lẫn bực bội vì việc xảy ra. Không biết Yến có hiểu cho tôi không?

Vừa lúc, có tiếng thét ở cuối barrack làm nhiều người lồm cồm chồm dậy. Các đèn dã chiến được người trong barrack thắp lên chung với ánh đèn pin từ tay người nào đó loang loáng soi đường. Tôi và Đỉnh cùng các người khác vội chạy đến chỗ có tiếng thét đó. " Con gì vừa cắn tui xong ở chỗ này nè. Đau quá! Không biết có phải rắn độc không? Cứu tui ngay, bà con ơi ", một thanh niên khuôn mặt thất thần, hai tay anh đang ôm phần dưới bắp chân trái mà miệng run run, nói lắp bắp đứt quãng. Ánh đèn pin chiếu ngay phần chân gần mắt cá của anh ta, soi rõ một vết đỏ nhỏ còn ri rỉ máu. " Rắn rồi mà chưa rõ độc hay lành đây... Để phòng cho chắc, mình phải làm ga rốt ngay kẻo không nọc chạy vào tim ", người cầm đèn pin đó nói. Một sợi dây được mang đến và nhanh chóng nó được cột chặt ở phần trên chỗ bị thương của nạn nhân. Ông Thăng đã có mặt liền, trong vẻ mệt mỏi vì mất ngủ, bảo với anh thanh niên: " Tôi đi báo cho ông zone trưởng biết để gọi xe cấp cứu ngay đây, cậu ráng chịu đựng một chút nha ".

Tin rắn bò vào chỗ ngủ cắn người loan ra làm ai trong barrack cũng sợ, đảo mắt nhìn những chỗ tối đen của phần vách trống bên phía rừng và nghĩ còn vài con rắn nữa đang chờ sẵn đâu đó. Một ông bày cách lấy ít dầu hôi đem rảy về phía vách trống và cả những chỗ nghi ngờ khác, mong để rắn hay bọ cạp ngửi thấy mùi sẽ sợ, phải bỏ đi. Trời khuya lạnh lại chưa có mền đắp nên hầu như người nào cũng phải khoác thêm quần áo lên người cho ấm. Ông Phát nói: " Tôi nghĩ, barrack mình ở là đám đất hoang cây cối um tùm, hang con rắn nầy nằm đâu đó đến khi mình vào dọn dẹp, nó bỏ đi rồi khuya quay về và chân cậu này chạm phải nên đã bị cắn chứ thực ra giống rắn thường tránh người ".

Cậu thanh niên được dìu từ barrack ra gần đường nhựa để chờ xe nhà thương đón trong tình trạng người rũ rượi, có lẽ do nọc độc chạy và vì sợ hãi mà thực sự chúng tôi cũng đang sợ đây. Ra tới ngoài sân, chúng tôi cùng đứng chùm nhum từng đám nhỏ ba, bốn người với nhau. Trời về sáng, trăng mọc từ lâu trải ánh vàng trên các hàng cây cùng mái lá của các bararck nằm im trong cái tĩnh mịch chung quanh trông như một làng quê đêm khuya. Vài trật tự viên của zone đi tuần nghe chuyện cũng ghé vào chỗ chúng tôi, một người trong bọn họ nói: " Mấy ông cột ga rốt ngay coi như an toàn. Galang nhiều rắn lắm nhưng được cái tụi Indo trị rắn cắn và sốt rét rất tài. Cậu này đến nhà thương, bác sĩ nó chích cho một mũi là khoẻ ngay. Sống ở đây, mình chỉ ớn bị đau ruột dư thôi ". Người khác thì khe khẽ: " Không phải rắn độc cắn đâu. Nếu đúng rắn độc cắn thì khác. Cái này tại quá sợ nên chả mới vậy, tui nhìn biết mà ". 

Tiếng động cơ vọng đến và rồi ánh đèn pha xe hơi xuất hiện ở đầu bờ dốc, ông Thăng cùng các trật tự viên vội chạy ra đón. Chiếc xe trắng cùng huy hiệu Hồng Thập Tự liền ngừng, hai nhân viên y tế người Việt nhẩy xuống phụ sức với các thanh niên trong barrack dìu nạn nhân lên xe. Ông Thăng cắt một thanh niên khác đi theo xe trông chừng, thấy việc đã xong, các trật tự viên bảo chúng tôi tan hàng về lại barrark ngủ. Vừa tới cửa barrack, tôi gặp một bóng người đang đứng và khi lại gần thật không ngờ đó là Yến. Lúc nãy, tôi vẫn thấy nàng nằm tại chỗ bên cạnh Đào và Bẩy sao giờ lại có mặt ở đây. Thấy tôi, Yến ra dấu đứng lại rồi nàng nói chầm chậm thật rõ: " Anh Vũ không được làm như vậy nữa với em ". 

Nàng lập lại thêm lần nữa trước khi bỏ vào barrack, để tôi đứng đó một mình trong sượng sùng lẫn mắc cỡ. " Trời ơi! Đỉnh! Mày đâu rồi ", tôi than thầm.

Tôi đứng yên tại chỗ rồi từ từ ngồi bệt xuống đất, nghỉ là phải chi có Đỉnh ở đây để nghe được lời Yến vừa nói thì hay biết bao! Và, chắc tôi sẽ mắng cho nó một trận cho hả. Ngồi đó nhưng lại sợ gió khuya lạnh làm tôi cảm nên phải quay về chỗ của mình. Yến đã nằm yên co quắp thân như con tôm, nhắm mắt như đã ngủ từ lâu. Nhẹ nhàng tôi nằm xuống, cố tránh đụng vào nàng. Tiếng Đỉnh thở nhè nhẹ đều đều, tôi đá nhẹ vào chân nó nhưng nó vẫn bất động. " Không biết thằng này mày đã ngủ thật hay còn giả vờ ", tôi lầm thầm. 

Một buổi sáng sớm cách hai ngày sau, 5 đứa chúng tôi theo anh chị Khảm-Phượng vào Galang 2 để mua đồ dùng cá nhân. Galang 1 cách Galang 2 độ 3 km và chỉ có một đường đi độc nhất. Nhiều khúc đường, cây rừng lẫn lau sậy hoặc cỏ chùm mọc lấn ra tận hai bên mép lộ. Chúng tôi đi ngang qua các barrack lợp lá của zone 2 rồi tiếp đến zone 1 nằm dọc theo bên đường. Barrack nào trông cũng cũ, bầy hầy vì chắp vá của người tị nạn ngay chỗ họ tá túc. Vài nơi bên cạnh đường là nguyên cả vườn rau cải chung với các giàn bầu, bí nằm xen lẫn với các nếp nhà nho nhỏ như chòi lá. Chị Phượng nói các căn nhà đó đều của người Việt vì khi ghe chị đến trại thì chỗ này vẫn còn là bãi rừng thưa. Biết phải tạm dung ở đây lâu và vì không thích sống chung đụng trong barrack chật hẹp nên một số người xin phép tụi P3V ra đây trồng trọt rau trái bán kiếm thêm. Dọc đường, theo anh Khảm cho biết thì trong trại tị nạn Galang có 2 nhà thờ Công Giáo, 2 nhà thờ Tin Lành, 2 chùa Phật Giáo, 1 Thánh Thất Cao Đài, 1 nhà thờ phượng Hòa Hảo và 1 Trung Tâm Chơn Lý của một tín đồ Thông Thiên Học. 


                                   (còn tiếp)

BÁC BA PHI ĐI THĂM MỸ - KỲ 140



                       (tiếp theo)




“ Lão già” đành lắc đầu :
“ Vậy thôi vậy…mình giải tán đi, cứ mặc cho lão ngủ đường ngủ chợ cho cảnh sát đi qua nó hốt đi…”
Nói rồi “lão già” leo lên xe ra hiệu cho cô Ut và chị Kelly Thi lên theo. Cô con gái chợt nhớ ra điều gì đó :
Mom này…lâu nay bố không đươc đóng bảo hiểm y tế, nhỡ ngủ đường bố cảm lạnh phải đi cấp cứu mẹ phải thanh toán viện phí là chết tiền đó…”
Người vợ cáu kỉnh :
“ Mặc kệ, cứ cho lão nằm đường, có cảm nặng cũng không cho vào bệnh viện, cứ mặc xác lão…”
Cô gái kêu lên :
“ Í…đâu có được…bố mà bị cảm lạnh, ngất xỉu  thì nhất định cảnh sát sẽ đưa bố vào bệnh viện cấp cứu rồi tính sau…”
Người vợ trợn mắt :
“ Tính sau là tính thế nào ?”
Nghe hai mẹ con cãi nhau, lão già chen ngang :
“ Là mai mốt nó tính viện phí bắt gia đình phải trả chứ còn thế nào ?”
Bà vợ nổi cáu :
“ Tôi không trả làm gì được tôi…”
Chị Kelly Thi kêu lên :
“ Ay chết…bà nói vậy đâu có được, bà đang sống ở đất Mỹ, luật pháp đâu ra đấy, có đủ thứ chế tài chứ đâu có xài luật rừng như ở Việt Nam mà bà đòi không trả ? Bà nghe tôi, để ông ấy về đi, không sau này méo mặt vì tiền viện phí đấy.”
Mỗi người nói một câu, dồn bà vợ ông say xỉn vào nỗi lo mất tiền sau này làm bà phải kêu lên :
“ Của nợ…chông vơi con gì…của nợ của tội thì đúng hơn…”
Rồi bà thở dài đánh sượt :
“ Thôi được , nhờ bác lôi lão ấy về đi. Để lão chết đường chết chợ tôi mang tiếng là ác…”
“Lão già” nhảy vội xuống xe, vừa dợm chân bước đi, bà vợ đã kéo lại, giao hẹn :
“ Chỉ một ly nhỏ kiểu chén hạt mít thôi nha. Không nghe tôi cứ chén chú chén anh , tôi sẽ đuổi ra khỏi nhà bất chấp mai mốt tôi có phải đóng viện phí cho ông cũng được…”
“Lão già” cười hề hề :
“ Yên trí…bà yên trí…ông ấy không say xỉn nữa đâu.”
Nói rồi “lão già” xuống xe chạy theo hướng người đàn ông vừa bỏ đi. Lão đi dọc theo con đường vắng, hai bên nhà đã đóng cửa kín mít. Làn gió lạnh buốt thổi qua làm lão rùng mình. Lão kéo cao cổ áo ngó ngược ngó xuôi, quái lạ cái thàng cha say xỉn vừa mới đây còn đi lảo đảo như cậy sậy trước gió, giờ biến đâu nhỉ ? “Lão già” đi đến một ngã tư , căng mắt nhìn tứ phía cũng không thấy bóng dáng gã đâu ? Không lẽ gã đã chui xuống đất. Không giống như khu trung tâm, buổi tối xe cộ còn qua lại náo nhiệt, khu ngoại ô này vắng ngắt, giờ này chẳng con ma nào ở ngoài đường để mà lão say có thể nhờ cậy đưa gã đi ngủ đâu đó.
“Lão già” cứ đứng ngẩn giữa ngã tư đường phố vắng vẻ lòng dạ rối bời. Đúng là lão tự dưng mua giây buộc mình. Chuyện bác Ba Phi biến đâu chưa tìm thấy, giờ lại vướng vào chuyện đi tìm cái lão say này không biết lão “bốc hơi” đi đâu. “Lão già” tự trách mình cứ hay bị  lôi cuốn vào những chuyện chẳng dính dáng gì đến mình ? Bác Ba Phi với “thằng say” kia thì có liên quan gì tới lão kia chứ ? Cứ ngó lơ đi cả hai  người thì giờ này lão đâu phải đứng co ro giữa con phố tối vắng vẻ và lạnh lẽo này.
Lẽ ra lúc này “lão” đang trong căn phòng riêng ấm cúng, có lò sưởi ga, nằm trên giường nệm êm, nhấm nháp một ly cognac trước màn hình tivi với bao nhiêu là tin tức, phim ảnh và nhiều show lý thú khác.
Nhưng chẳng lẽ suốt ngày cứ loanh quanh trong ngôi nhà đầy tiện nghi, từ phòng ngủ, sang phòng khách , tới phòng ăn rồi lại về phòng ngủ , suốt ngày cứ ngồi trước màn hình tivi với vi tính đọc đủ các thứ tin tức trên trời dưới biển ? Mặc dầu sang Mỹ cả hai  chục năm nay nhưng lão lười học tiếng Anh, chỉ học đủ để nói chuyện thông thường, còn đọc sách báo thì lão chào thua.
Bởi vậy hàng ngày ngồi trước vi tính lão cũng chhỉ đọc các trang web tiếng Việt cả trong nước lẫn ngoài nước. Và quay qua quay lại chỉ độc một chuyện cộng sản Việt nam bán nước cho Tàu, đàn áp những nhà hoạt động dân chủ và bóc lột hai giai cấp vốn dĩ được coi là hậu thuẫn cho Đảng cộng sản là công nhân và nông dân.Công nhân thì bị bóc lột sưc lao động tàn tệ, nông dân thì bị cướp nhà cướp đất. Quay đi quẩn lại có nhiêu đó thôi. Đọc riết rồi phát khùng , có văng tục chửi bới thì cộng sản Việt Nam vẫn cứ sống nhăn răng. Ngay ở bên Mỹ này nó cũng hiện diện cả ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, ở Chicago lẫn cả ở Houston. Mòn mỏi chờ đợi mãi mà chẳng thấy cộng sản tan rã, “lão” phát khùng,  đâm chán cả vi tính, internet và mượn chén rượu tiêu sầu.
Cứ thế ngày này qua ngày khác, chẳng phải lo lắng gì, tháng tháng đã có tiền hưu tuy không nhiều nhặn gì nhưng cũng đủ trả các thứ bill, tiền xăng, tiền nhà và đủ các thứ chi tiêu vặt vãnh ,ngoài ra còn thừa ra chút ít để tích cóp hàng năm có thể du lịch một chuyến theo các tour khuyến mãi. Tuy thế không phải là “lão” không có những nỗi lo. Lượng cholesterone trong máy đột ngột tăng cao khiến lão phải giảm cáca món ăn khoải khẩu như tôm, cua, gan ngỗng . Lượng đường trong máu cũng vậy, lâu lâu lại nhảy một phát lên cao chót vót khiến “lão” laị phải lập tức bóp mồm, bóp miệng không ăn uống “thả ga” cho thật khoái khẩu nữa.Rồi áp huyết ngày đo hai lần sớm tối, bình thường vẫn ở dưới ngưỡng ch phép, nhưng lâu lâu quá chén, nó nhảy lên đột ngột lào lão sợ muốn đứng tim, thề sẽ không uống tới một giọt rượu. Nhưng rồi cũng chỉ được vài ba ngày, thấy huyết áp “êm êm” lão lại lôi chai rươự trong tủ lạnh ra nhấm nháp.
Như vậy đó, cuộc đời “lão” cứ bình bình như “tấm vải thôi dệt đều” theo cách nói của nhà văn Thạch Lam ngày xưa. Vậy nhưng chẳng lẽ hết ngày dài lại đêm thâu , ròng rã tháng năm chỉ có nhiêu đó thôi ? Bởi vậy lâu lâu cũng phải có chuyện gì đó cho “trật đường rầy” . Chuyện đi tìm bác Ba Phi và “lão say xỉn” này là một cú trật đường rầy dù có mất tý chút công sức nhưng cũng mang lại cái thú tạm thoát được nỗi buồn “một ngày như mọi ngày”.
“Lão già” nghĩ bụng vậy và lại thấy hào hứng đi lùng sục ở các gốc cây, các hốc cửa của những ngôi nhà đống im ỉm chìm trong bóng tối. Và rồi “lão già” giật minh khi trức mắt lão dưới chân một bức tường cao chót vót, lù lù một đống gì đó đe sì. “Lão già” chạy vội tới và nhận ra một người đang nằm co quắp. Đúng là thàng cha say xỉn rồi. “Lão già” chạy tới đập vào người kiua, gọi tới tấp :
“ Dậy…dậy…sao lại nằm đây ?”
Thằng cha kia vẫn im lìm, mắt nhắm nghiền, co quắp như một con tôm luộc mặc cho “lão già” lay gọi, gã vẫn im limg, hai mắt nhắm nghiền.”Lão già” hoảng hồn. Thôi chết, có khi thằng cha say xỉn này gapự luồng gió độc rồi ngã lăn ra ở đây không biết chừng. “Lão già” thử xốc nách gã dậy, nhưng vô phương, gã phải nặng tới 70 kí làm sao mà cõng nổi ? “lão già” đành bỏ mặc gã nằm đó rồi chạy vội về chỗ xe hoiư đang đậu, la lớn :
“ Cấp cứu…gọi cấp cứu đi…thằng cha đó ngất xỉu ở đàng kia rồi…”
Bà vợ vội vàng :
“  Khoan gọi cấp cứu. Lão đó nằm lăn lóc, bất tỉnh như vậy là sự thường. Cứ để lão nằm chán, hết say xỉn lại bò dậy ngay ấy mà…”

                    (còn tiếp)






YÊU THỜI ĐỒ ĐỂU - KỲ 164

                     (tiếp theo) 



Ong Sáu Thượng nghe như có tiếng nổ ở bên tai .
Thằng Bảy Dự diễn tả đúng giấc mơ của ông khi nằm ngủ – người nằm đúng là ông, còn cái người đứng đầu giường thì chẳng là hồn  ma lão thành uỷ còn là ai ?
Nếu không có lá bài con chim con mổ ra lá bài bên trong vẽ cảnh y chang vậy thì còn lâu ông mới tin, đằng này chính mắt ông nhìn thấy con chim mổ ra cây bài, chính mắt ông nhìn thấy bên trong cây bài vẽ một người nằm ngủ và một hồn ma đứng đầu giường. Trời đất ơi, chẳng lẽ giấc mơ là có thực ư, hồn ma là có thật ư ? Vậy thì tất cả nhưng hành động lén lút, khuất  tất của ông làm sao qua mặt được hồn ma.
Gã Bảy Dự nhìn mặt lão Sáu Thượng cứ ngây ra gã biết ngay là lão tin sái cổ rồi. Làm gì mà không tin, con chim nhỏ trong lồng đã làm phép như vậy ngay nhãn tiền của lão , làm sao dám không tin ?
Cứ nhìn bộ dạng của lão cũng đủ biết lão đang bị một hồn ma  ám quẻ nên ngay trong giấc ngủ cũng nằm mơ thấy. Người như lão lắm tội ác lắm. Có hồn ma ám vào người là chuyện thường tình. Chỉ có điều hồn ma đó là ai, chắc lão đã hãm hại người đó đến chết nên lão mới bị ám ảnh nặng vậy?
Lão bảy Dự quyết định dấn tới :
“ Anh Sáu ạ…cứ nhìn thần sắc của anh và căn cứ vào quẻ con chim nó bói  em thấy anh Sáu đang bị kẹt nặng rồi…”
Ong Sáu Thượng kêu lên :
“ Kẹt nặng ? Kẹt nặng nghĩa là sao ?”
Lão Bảy Dự lắc đầu :
“ Thiên cơ bất khả lậu…em đã nói cho anh Sáu biết khá nhiều rồi …tổn thọ em lắm…"
Ong Sáu Thượng sốt ruột :
“ Vậy nhưng cậu phải giúp tớ diệt trừ con ma kia chớ ?”
Lão bảy Dự lắc đầu :
“ Em sợ  em không làm được…vía của em không đủ mạnh bằng nó ..”
Ong Sáu Thượng an ủi :
“ Nó là người âm, cậu là người dương. Nó là hồn ma dẫu có oan uổng đến đâu cũng không thể mạnh bằng người trần như cậu. …”
Lão Bảy Dự lửng lơ :
“ Nếu vậy phải lập đàn tràng…”
Ong Sáu Thượng vội vàng :
“ Đúng đúng…cậu phải giúp tớ lập đàn tràng tiêu diệt cái hồn ma ấy đi không cho nó quấy rầy tớ nữa…”
Gã Bảy Dự vẫn ngập ngừng :
“ Em cũng muốn giúp anh diệt trừ cái hồn ma đó cho nó khỏi ám quẻ anh nhưng chỉ sợ…”
Ong Sáu Thượng vội vàng :
“ Cậu sợ cái gì ?”
“ Anh Sáu là cán bộ cao cấp , giờ lại lập đàn tràng trong nhà anh ngày ngày chập choeng , nhảy nhót bắt quyết trừ ma thì…kỳ lắm, nhỡ mà lọt chuyện ra ngoài thì chết cả em…”
Ong Sáu Thượng ngẩn người :
“ ừ nhỉ ! Mày nói cũng có lý. Thôi để tao về bàn với bà Sáu coi ý bà ấy ra sao ?”
Gã Sáu Thượng gật rối rít :
“ Đúng đúng…anh Sáu về bàn với chị…nếu cả hai anh chị đều đồng lòng nhất trí diệt trừ hồn ma thì em sẽ tới giúp anh chị…”
Ngay tối hôm ấy vừa cơm nước xong hai  vợ chồng ông Sáu Thượng lại ngồi kè kè bên thằng Hàm chỉ sợ nó lại nổi điên lên lần nữa như  đêm qua. Chẳng hiểu sao nó ngủ khiếp thế. Ngoài giờ ăn mẹ nó đập dậy ép nó nuốt bằng hết bát cháo mà nó vừa ăn vừa buồn ngủ, hai mí mắt cứ sụp xuống tính nằm lăn ra giường mẹ nó lại ra lệnh cho gã người hầu xốc nách nó lên.
Nhìn cái cảnh hai mắt nó lờ đờ, miệng há ra nuốt thìa cháo do mẹ nó bón cho rồi lại ngậm lại, ông Sáu Thượng đâm lo :
“ Phải đưa nó đi bệnh  viện thôi…hôm ở dưới Hải Phòng nó có như thế đâu. Về đây rồi ngủ ngay trong cái phòng ấy nên mới ra nông nỗi này.”
Bà Sáu Thương  bực mình :
“ Ong nói thế mà nghe được hả ? Ngủ trong cái phòng ấy có làm sao mà lại thành điên điên khùng khùng thế này ?”
Ong Sáu Thượng cao giọng :
“ Bà không thấy thằng Hàm mắt cứ trợn ngược mà van vái à ? Nó nhìn thấy gì mà cứ vái lia lịa vậy ? Chắc chắn đứa con gái đó hiện hồn lên đòi mạng nên cu cậu mới sợ vãi cả linh hồn ra vậy ?”
Bà Sáu Thượng bực mình :
“ Ong là cán bộ tư tưởng văn hoá mà nói năng cứ như ông đồng bà cốt vậy , đến tai Ban Bí thư thì ông bị kỷ luật là cái chắc…”
Ong Sáu Thượng lắc đầu :
“  Thôi thôi bà ơi, trước nay tôi cũng là tín đồ của đạo duy vật biện chứng   nhưng trưa hôm qua…phải rồi trưa hôm qua dù có mácxít lêninnít đầy người đi chăng nữa, dù tôi đã có huy hiệu 60 năm tuổi Đảng đi nữa thì tôi cũng đành bấm bụng mà tin tưởng….”
Bà Sáu Thượng ngạc nhiên nhìn ông chồng lúc này dường như đã hết sạch cả cái oai phong lẫm liệt thường ngày, cái dáng vẻ quan cách vốn luôn luôn thường trực trên mặt ông giờ cũng đã biến đâu mất, nom ông lúc này chỉ còn là một lão già nhỏ thó, ốm yếu và sợ sệt. Bà chán ngán thở dài :
“ Vậy ông tin vào cái gì ?”
Ong Sáu Thượng lắp bắp :
“ Có…ma…có hồn mà thật đấy bà ạ…”
Rồi ông kể tường tận cuộc bói toán của gã Bảy Dự với con chim ma quỷ sao đó lại có thể gắp ra đúng quân bài nói rõ về ông như vậy. Bà Sáu Thượng nghe xong lắc quầy quậy :
“ Tôi không tin…tôi không tin…nó bịp ông đấy…”
Ong Sáu Thượng suýt nữa thì giơ tay thề, nhưng ông hiểu ngay rằng lời thề của ông dù có độc địa mấy chăng nữa cũng chẳng có tác dụng gì đối với bà vợ vốn đã hiểu ông đến chân tơ kẽ tóc.
“ Bà không tin thì bà cứ thử tới cho thằng Bảy Dự nó bói cho bà một quẻ coi sao ?”
Bà Sáu có vẻ không lưu tâm đến chuyện bói toán mà lại nghĩ tới chuyện khác :
“ Vậy rồi ông có thừa nhận người đàn ông đứng đầu  giường vẽ trong quân bài ấy là …hồn ma không ?”
Ong Sáu Thượng gật đầu :
“ Thì nó vẽ đúng quá mình phải nhận chứ sao ?”
“ Nhỡ nó là thằng Hàm mọi khi tôi vẫn sai nó vào đánh thức ông dậy kẻo muộn giờ đi làm thì sao ?”
Ong Sáu Thượng lắc quầy quậy :
“ Không, không phải thằng Hàm. Bức vẽ đó nó chỉ thể hiện những gì xui xẻo mình đang phải trải qua thôi. Còn thằng Hàm vào đánh thức tôi dậy đi làm là chuyện hàng ngày, mắc mớ gì nó phải vẽ vào đó….:
Bà Sáu Thượng lại truy :
“ Vậy rồi ông có khai với nó hồn ma ấy là ai không ?”
Ong Sáu Thượng giãy nảy :
“ Đời nào tôi lại dại “lậy ông tôi ở bụi này” thế ? Tôi cũng chỉ nói với nó chắc là hồn ma đấy thôi…”
“ Nó có nói hồn ma đó là ai không ?”
Ong Sáu Thượng có vẻ lo sợ  :
“ Nó bảo đó là một hồn ma do tôi hãm hại chưa chịu  đi đầu thai sang kiếp khác mà nấn ná lại ở trần gian để tìm cách trả thù…”
Bà Sáu Thượng văng tục :
“ ĐM cái thằng  lừa đảo. Nó nói thế mà ông không vả vào mồm nó.”
Ong Sáu Thượng kêu lên :
“ Nó bói cho mình đúng quá sao bà lại bảo tôi vả vào mồm nó ?”
Bà Sáu rền rĩ :
“ Nó bịa chuyện đoán già đoán non vậy thôi. Lẽ ra ông phải vả vào miệng nó để cho chừa cái thói moi chuyện bằng trò bói toán đi…”
Ong Sáu Thượng lắc đầu :
“ Bà phải nhìn tận mắt con chim nó mổ ra quân bài thì bà mới tin…”
Bà Sáu Thượng quắc mắt :
“ Thôi được rồi …ngày hôm nay ông lôi cổ nó đến đây…”
 Tuy nhiên gã Bảy Dự bây giờ không còn thuộc loại vô danh tiểu tốt như ngày xưa nữa. Gã đã có hẳn Công ty tư vấn phong thuỷ,  gã mở cả lớp học đội lốt “kinh dịch” mà thực ra là bói toán lôi kéo được khá đông vợ con cán bộ tới học đông như lớp học Anh văn, vi tính.
Kỳ lạ thay những kiến thức để thoát nạn “mù phổ thông” thì thật khó mà nhét được vào đầu các quý bà, quý cô, nhưng những điều về “tuần triệt,”” mạng thổ mạng kim”, “đà la”. “tứ quý” …thì cứ tuôn ồng ộc vào óc khiến các quý phu nhân, tiểu thư cứ thuộc vanh vách mới lạ. Thế là không cứ gì ngày rằm, mồng một , xe hơi đời mới của các quan – tất nhiên là xe công, biển xanh, nườm nượp đưa các bà, các cô đi lễ đền, lễ chùa, lễ phủ, mà vào các ngày  thường, cũng vẫn chở quý bà quý cô tới các lớp “kinh dịch” của Bảy Dự.
Khác với những lớp học Anh Văn, vi tính, người đông nghìn nghịt, chen vai thích cánh, lớp “kinh dịch” của Bảy Dự thường tổ chức trong các phòng máy lạnh, bàn ghế rất sang trọng và sĩ số thường không quá một chục người. Không ai biết học phí của các lớp học này là bao nhiêu, nhưng chắc chắn phải gấp vài chục lần học phí Anh văn, vi tính. Danh tiếng của Bảy Dự nổi như cồn trong giới kinh doanh một mặt hàng ngày càng đắt khách kể từ khi xây dụng nền kinh tế thị trường : tâm linh.
Ngày xưa, nếu ai đụng tới bói toán, tử vi, hướng nhà hướng đất, lập tức bị “hỏi thăm” về tội  truyền bá mê tín dị đoan. Nhưng ngày nay, thời đã khác, các nhà xuất bản đua nhau cấp phép cho ra đời những cuốn coi tử vi, coi tướng mạo, coi chỉ tay…núp bóng dưới loạt sách “ khoa học huyền bí”. Bởi thế công việc kinh doanh mặt hàng “tâm linh” của Bảy Dự vô cùng phát đạt. Gã trở nên giàu có không thua gì nhà kinh doanh đất đai, địa vị xã hội của gã cũng đã thay đổi, từ một thằng cha thất cơ lơ vận, kiếm sống bằng nghề bẻm mép, gã nhảy phắt vào giới thượng lưu, đi xe hơi đời mới, tay cắp cặp Sansonai và nghe nói gã đang bỏ tiền ra mua bằng Giáo sư Tiến sĩ về một ngành khoa học gì đó.
Gã Bảy Dự trở nên quan trong vậy, bởi thế mấy lần ông Sáu Thượng gọi điện cho gã tới nhà riêng trổ tài bói chim cho bà Sáu gã cứ lạnh tanh :
“ Anh bảo gì kia…tới nhà xem cho bà Sáu ạ …í trời ơi tuần này em bận quá…tuần sau à…tuần sau em cũng bận…chưa dám hẹn với anh Sáu cụ thể  ngày nào ?”
Ong Sáu Thượng bực mình :
“ Bận mấy thì bận mày cũng phải cho tao một cái hẹn chứ ?”
“ Không dám đâu ạ…cứ hẹn ẩu không tới được anh Sáu lại trách thằng em…”
Nói tới  đó gã cúp máy cái rụp làm ông Sáu hiểu rằng thằng này đang làm cao, trước sau nó cũng tới nhưng nó còn ra giá.  Sau cùng ông Sáu đành nói thực với  vợ :
“ Thằng này bây giờ lên nước lắm. Nó là Tổng Giám đốc Công ty tư vấn phong thuỷ kìa. Bởi vậy nó cứ cáo bận  không tới được…”
Bà Sáu cười  nhạt :
“ Ghê quá nhỉ ? Cao giá quá nhỉ ? Thôi được rồi, ông không gọi được nó thì để tôi…”
Bà nói chắc như đanh đóng cột nhưng  ông Sáu vẫn bán tín bán nghi. Vậy mà không ngờ , mấy ngày sau, vào buổi sáng sớm , ông vừa tới cơ quan gã Bảy Dự đã gọi điện tới :
“ Chào anh Sáu ạ…thưa em là Bảy Dự đây ạ…”
Oi chao cái giọng của gã khúm núm, sợ sệt khác hẳn cái giọng lạnh lùng bữa trước. Ông Sáu chưa kịp lên tiếng, gã Bảy Dự đã liến  thoắng :
“ Tối nay ạ…thưa anh đúng 7 giờ tối nay em sẽ tới nhà anh để trực tiếp coi cho chị Sáu ạ. Nhờ anh báo để em xin phép được tới đúng giờ đó ạ…”
Một lần nữa ông Sáu Thượng phải thầm phục cái quyền lực vô biên của bà Sáu. Không hiểu bà giở ra cái đòn phép gì mà gã Bảy Dự này đang vênh váo, tự cao, đùng cái rớt  xuống xẹp lép như con gián. Ong cười thầm trong bụng, rõ thật cái đồ thân lừa ưa nặng, nói năng tử tế thì không chịu nghe, để bà ấy cho ăn đòn mới rúm cả người lại mà cuống cuồng lên. Mà chẳng hiểu bà ra cái đòn gì ghê gớm vậy, thoắt một cái đã khuất phục ngay được thằng Bảy Dự, một thằng chẳng khác gì  giang hồ dấu mặt có số má không phải loại thường.
Tối hôm đó, vừa đúng 7 giờ, hai vợ chồng ông Sáu Thượng vẫn còn đang dỗ dành thằng Hàm uống ly sữa kẻo nó cứ nhịn không chịu ăn có lúc kiệt sức chết lăn quay. Hai hôm nay chẳng hiểu sao nó cứ như người tuyệt thực, bà Sáu Thượng đã ra lệnh nấu riêng cho cậu ấm những món cậu khoái khẩu nhất : nào tôm hùm nướng chấm mù tạt, nào măng tươi hầm chân giò, nào gà tần hạt sen, nào cua lột tẩm bột rán….Đủ thứ sơn hào hải vị con hầu đầy tớ bưng lên cho cậu cứ thèm giỏ rãi mà riêng ‘cậu” thì chê ỏng chê eo,không chịu nhấm nháp dù chỉ là một miếng.
Đúng vào lúc bà sáu Thượng ép thằng Hàm ăn một thìa súp cua thì nghe báo có ông Bảy Dự, Tổng Giám đốc Công ty tư vấn phong thuỷ tới. Ong Sáu Thượng vừa vội vàng định ra tiếp thì bà Sáu đã cau mặt :
“ Ong cứ ngồi đó, chừng nào tôi bảo hãy hay…”
Rồi bà quay sang ra lệnh cho người nhà ra báo cho gã Bảy Dự biết cứ ngồi chờ , bà Sáu đang bận chút việc. Lúc này ngoài phòng khách gã Bảy Dự đang ngồi chờ tim đập thon thót. Thực ra với uy lực của ông Sáu Thượng ngày xưa thì gã sợ một phép chứ bây giờ, giao tiếp với vợ con các quan nhất phẩm trào đình , gã cũng đâm nhờn vì ông Sáu Thượng cũng chỉ là một trong những người đó. Bởi thế mấy lần ông Sáu Thượng điện gã cứ tảng lờ. Muốn coi tử vi tướng số thì phải dẫn xác tới, làm gì có chuyện một yếu nhân cỡ pháp sư như gã phải tìm tới tận nhà thân chủ. Ay thế rồi sau hai lần gã từ chối lời mời của ông Sáu Thượng, vào một tối gã đang ngồi trên chiếc ghế mát-xa cao cấp lim dim tận hưởng khoái cảm của tiện nghi, bất chợt có điện thoại.
“ A lô…ai thế ? Muốn gặp ai ?”
Đầu giây bên kia có tiếng cười và giọng nói quen thuộc cất lên xưng ra cái tên cũng quen thuộc mà từ lâu lắm gã tưởng đã tuyệt tích làm gã giật nảy mình, lắp bắp :
“ Ong…ông hãy còn sống à ?”
“Vậy mày tưởng tao đã chết mất xác trong đám cháy đó rồi sao, cái thằng Bảy Dự xảo quyệt kia ?”
“Vậy …vậy ông muốn gì ?”
“ Tao muốn gì à ? Tao muốn nộp toàn bộ bằng cớ cướp của, giết người của mày cho cơ quan điều tra để họ lôi cổ mày ra vành móng ngựa lãnh án dựa cột…”
Gã Bảy Dự toát mồ hôi, cơn ác mộng của gã tưởng như đã tiêu tan theo thời gian, ngờ đâu nó đã trở lại hiện nguyên hình cái lưỡi hái của Thần Chết treo lơ lửng trên đầu gã. Không, bằng bất cứ giá nào cũng phải tìm kế hoãn binh, chặn nó lại rồi tháo gỡ dần. Gã lắp bắp :
“ Tôi xin ông hãy bình tĩnh. Chuyện gì cũng có cách giải quyết. Nếu ông nộp tài liệu đó cho cơ quan điều tra thì tôi và ông không còn chuyện gì để nói, nhưng nếu ngược lại, ta có thể có nhiều cuộc đối thoại thú vị và trước hết là có lợi cho ông…”
Ở đầu giây bên kia, có tiếng cười làm gã Bảy Dự sởn gai ốc rồi giọng nói cất lên lào phào như tiếng nói của hồn ma :
“ Tao không muốn gì hết…tao chỉ muốn cái mạng của mày…”
                                                                                                            
                (còn tiếp)










NHẬT TIẾN - Chuyện Bé Phượng - KỲ 4


                                             (tiếp theo)

 5
Bốn năm đứa xúm xít lại quanh ba cái giường sắt kê sát vào nhau. Con Dung bò nhoài ra chính giữa. Cằm nó tì lên trang giấy màu vàng úa của quyển sách cũ kỹ. Miệng nó leo lẻo đọc:
« Lúc Khang nhỏm dậy thì Trang tấm tức khóc »...
Con Huyền chen vào :
- Mày đọc nhẩy cóc rồi, tại sao tự nhiên Trang lại khóc?
Dung tức giận :
- Mày mở mắt lành, banh mắt méo ra mà coi xem tao có đọc nhẩy cóc không?
- Thế thì tại sao tự nhiên Trang lại khóc cơ chứ ?
Hồng nóng nghe nên giảng hòa:
- Chắc là tại chúng nó đánh nhau. Để yên nó đọc tiếp cho mà nghe thi mới hiểu được.
Dung tiếp:
- Lúc Khang nhỏm dậy thì Trang tấm ức khóc. Khang bẽn lẽn kéo chiếc mền mỏng lên tới ngực nàng rồi cất giọng nài nỉ :“ Đừng khóc đi em. Anh yêu em. Anh yêu em trọn đời. Chúng mình sẽ làm lễ cưới ”.
Con Huyền đắc chí :
- Tao nói có sai đâu. Chúng nó vẫn yêu nhau mà. Nhưng tại làm sao cô Trang lại khóc cơ chứ ?
Con Dung tức mình :
- Thôi mày im mồm đi. Không muốn nghe thì đi chỗ khác.
Rồi nó đọc tiếp:
Nghe Khang nói, Trang lại càng khóc to hơn. Nàng có cảm giác như mình vừa mất đi một cái gì quý giá nhất trên đời. Mặc dầu nàng biết Khang không phải như trăm ngàn kẻ khác quất ngựa truy phong sau khi phá hoại cuộc đời của người con gái...”
 tiếng kẹt cửa ở bên ngoài làm cả bọn bật dậy. Con Dung dúi ngay quyển sách xuống nệm giường giả vờ nhắm mắt ngủ. Nhưng đó là tiếng guốc của chị Thanh đang lách vào. Chị ấy đứng  đầu phòng nói to:
- Có em nào nom thấy quyền sách của chị bọc giấy báo ở trong phòng xép để đồ không?
Con Dung thò chân sang chí Phượng một cái rồi nói to :
- Quyển sách gì cơ hở chị ?
- À... quyển…. một quyển sách học…
- Thế thì chúng em không biết. Bọn chúng em không bao giờ vô phòng xép làm gì cả.
- Em nói dối, chị gặp em nhiều lần lảng vảng  đấy.
Dung cãi :
- Em lảng vảng nhưng em không vào. Không bao giờ em vào cả vì các Ma Soeur dặn rằng trong ấy có ma.
- Ma Soeur nào dặn em như thế ?
 - Em quên mất rồi!
- Vậy để chị đi hỏi xem Ma Soeur nào lại tin có ma như vậy. Những người tu hành không bao giờ sợ ma cả.
Dung lấp liếm:
- Có lẽ em nhầm. Có lẽ em trông thấy chứ không ai nói gì cả.
- Em trông thấy ma hồi nào?
Con Dung độc ác :
- Rất nhiều lần. Em thấy nó lúi húi ở gầm tủ. Em sẽ đi mách Ma Soeur điều ấy.
Thanh tiến sát lại gần nó làm nó ngồi phắt dậy, nép vào một góc giường. Mặt nó vênh váo, khiêu khích. Nhưng chị Thanh không làm gì nó cả. Chị ngồi xuống một bên mép giường dịu dàng nói :
- Chị van Dung, Dung trả cho chị cuốn sách ấy đi.
- Sách nào của chị mới được chứ?
- Cuốn sách mà chị bỏ quên dưới phòng xép ấy.
- Thế thì em không biết.
- Dung trả chị rồi muốn gì chị cũng cho.
- Em không muốn gì cả và cũng không hề lấy sách của chị. Em lấy làm gì mới được cơ chứ ?
- Cho chị đổi vậy. Chị đổi cho Dung lấy một xấp ảnh tô màu thật đẹp.
- Em không cần ảnh, mà em cũng không có có gì để đổi cho chị cả,
- Có, em có cuốn sách, chị chỉ cần cuốn sách ấy thôi.
Con Dung vặc lên :
- Thôi chị đừng nói nữa. Chị đừng vu oan giá họa. Em không phải là đồ ăn cắp.
Cổ họng Thanh ứ lên. Nàng biết nước mắt của nàng sắp trào ra. Nhưng nàng cố gượng cười, dịu dàng nói:
- Thì ai bảo em là ăn cắp. Chị nói rằng em có bắt được thì cho chị xin.
- Em chẳng bắt được gì hết.
Bây giờ Phượng mói vụt cất tiếng :
- Có, Dung có bắt được. Hãy trả lại cho chị Thanh đi Dung.
Con Dung la lên :
- Đồ nói dối ! Quỷ sứ sẽ vặn lưỡi mày ra. Tao không biết cuốn sách học nào cả. Tao chỉ thấy có cuốn tiểu thuyết thôi.
Mặt chị Thanh tươi lên, chị nói hớn hở:
- Phải rồi! Đúng rồi đấy. Đó là cuốn tiểu thuyết của chị. Hãy cho chị xin.
Dung nằm quay ngoắt vào phía trong tường :
- Em không biết ! Em sẽ mang trả lại cho ma soeur !
Thanh nghẹn ngào :
- Tại sao lại trả cho ma soeur. Chị đã nói là của chị rồi mà.
- Chị lên trên ấy mà hỏi. Em đã đem trả từ lâu rồi.
Thanh nén không được nữa. Nàng xô thẳng lại phía con Dung và tát xéo ngay vào mặt nó. Bị tát bất ngờ, con bé gào lên khóc. Hai chân nó đạp lên nệm giường, hai tay nó cào cấu lên mặt và lên người chị Thanh rồi nó tụt ngay xuống đất chạy ra phía cửa la hét om sòm:
- Đồ bắt nạt ! Đồ ăn hiếp ! Phá giấc ngủ trưa của người ta.
Bọn trẻ trong phòng nhỏm dậy nhốn nháo. Có đứa khôn hồn trèo tuốt lên giường giả vờ ngủ nhưng hé mắt nhìn ra. Trong khi ấy chị Thanh gục xuống nệm giường khóc lên rưng rức.

6

Bà Cécile chạy đi đầu theo sau là bà phước Hạnh, rồi đến bà Juliette. Con Dung vẫn lăn ra ở mặt hè, gang mồm lên khóc. Bà Phước Hạnh quát lên:
- Nào, nào ! Có muốn phá rối  đây thì cứ khóc như thế nữa di.
Con Dung nín bặt và nhỏm ngay dậy. Cặp mắt của nó ráo hoảnh nhưng nó vẫn làm ra bộ mình vừa phải chịu đựng một sự gì ghê gớm lắm. Bà Juliette nói:
- Làm sao ? Có chuyện gì xảy ra ở đây ?
Dung đáp :
- Tự nhiên chị Thanh xuống đổ cho con là đồ ăn cắp, rồi chị ấy đánh con.
Bà Juliette lôi tay con bé đi về phía cuối phòng. Bọn trẻ con ngồi hết cả dậy nhốn nháo. Bà Hạnh nói:
- Thanh! Con mất cái gì ?
Thanh vẫn khóc và không ngẩng lên. Con Dung trả lời :
- Thưa ma soeur chị ấy mất một quyển truyện. Quyển truyện giấu ở trong phòng xép để đồ.
Bà Hạnh nhăn mặt:
- Hừ, chuyện lạ thực đấy ! Tôi chưa hề thấy một kẻ nào lại hoang phí đến độ thích vứt sách vào nhà để đồ hơn là cho vào tủ kính. Ai đã lấy ra như vậy ?
- Con không lấy ! Con bắt được. Con định mang lên trình ma soeur thì chị ấy xuống đổ cho con là đồ ăn cắp.
Vừa nói nó vừa tót lên giường, lật cái nệm và moi ra quyển sách. Cả ba bà phước cùng xúm lại. Bà Juliette lật ra đọc trước rồi bà chợt bắn người lên như chạm phải một con rắn độc. Bà vội vàng buông cho quyển sách cho rơi trên bàn tay của bà Phước Hạnh. Bà Hạnh liếc qua rồi cũng kêu lên :
- Á... à…. bây giờ tôi mới hiểu bọn các chị ngoan ngoãn đến mực nào đấy !
Còn bà Cécile thì lại nhún vai theo thói quen cố hữu:
- Tại sao thế ? Tại sao lại đến thế được nhỉ ?
Sau đó cả ba bà cùng quay lại nhìn Thanh như nhìn một con quái vật. Một lát, bà Juliette sau khi nuốt nước miếng ba bốn lần, mới cố gắng nói:
- Chị Thanh ! Đi rửa mặt rồi lên phòng giấy ngay lập tức.
Nói xong bà quay gót đi ra giữa phòng. Bọn nhỏ lố nhố nhỏm hết cả lên làm cơn giận của bà như tăng lên. Bà quát lớn :
- Nằm hết cả xuống hay là muốn treo cổ lên xà nhà!...
Bọn trẻ như một đàn chuột túa hết về chỗ của mình. Căn phòng đang ồn ào đột nhiên yên tĩnh một cách lạ lùng. Chỉ có tiếng nấc của chị Thanh và tiếng gót giày lao xao của các bà phước đi về phía cửa phòng.,.
Một lát sau Thanh bước vào phòng làm việc của bà phước Nhân, vẻ mặt của nàng cố làm ra vẻ bình tĩnh. Nàng giơ tay lên vuốt những sợi tóc dính nước mắt ở trên trán và má. Nàng nhìn các bà phước bằng cặp mắt thản nhiên, và chờ đợi.

                           (còn tiếp)


BẠN BÈ TẶNG SÁCH :' "SẸO ĐỘC LẬP" thơ PHAN HUYỀN THƯ



Khoảng 10 năm trước, trả lời Phạm thị Hoài trên Talawas tôi có nói :

Thế hệ @ bây giờ cũng “thủ” không thua gì các cụ ngày xưa. Như chị Vi Thuỳ Linh: “tôi là chung thân duy mĩ”, chị Phan Huyền Thư: “Ngoài chữ ra tôi không quan tâm tới bất cứ thứ gì…”.....Vậy là bác Hữu Thỉnh yên tâm nhé, các cháu là “chung thân duy mĩ”, không bao giờ có ý định động chạm tới cái “ổn định” của các bác; cứ in, cứ kết nạp Hội thoải mái; khỏi lo chống đối, phản kháng, xét lại.

    10 năm sau, đọc "Sẹo Độc Lập" của Phan Huyền Thư thấy đã khác nhiều.

           " những con chim đã quên mất giọng hót chính mình...
             những con chim đã không thế hót giọng hót chính mình...
         
                                                                                HÓT
        
             "xa xăm ngoài bờ đê sông Hồng phiền muộn
                 cánh buồm nâu tả tơi giữa dòng thời cuộc
                            chở vong hồn các thi nhân tiền sử
                                     mặt sông dập dềnh xác chữ
                                                           trôi về đâu ?

                                                                              THI NHÂN

                         Tôi trát tất cả rác thải lên mặt
                            soi gương thấy một dị nhân
                               khôn ngoan hãng tiến
                                  một tham vọng
                                    một bất an
                                                                             TÊN MÌNH
            
                 Và đây là một khổ thơ gây sửng sốt :

                                                      Dừng lại
                                               để ngoái nhìn
                           con ốc sên đã bị dập nát vỏ
               chầm chậm lết giữa rong rêu lụi tàn
     những mảnh vỡ còn găm trong nhuyễn thể
                           nụ cười sám hối miền tri ân
        
                                                                              DỪNG LẠI

Một Phan Huyền Thư đã khác. Thơ chị đang tới "mê cung" ( labyrinthe) của thơ - xệch xạc, thâm u,nhốt gió cho dù âm điệu chưa thật mới. Tôi sẽ chọn Phan Huyền Thư nếu phải tìm ví dụ cho một phân thân ( dedoublement). Quả thực giữa thi nhân và cán bộ, Phan Huyền Thư đã tách bạch thành hai con người hoàn toàn khác nhau. Đó  là một công phu đòi hỏi rất nhiều khổ luyện, không biết có vì thế mà thơ suy giảm năng lượng ???


                        NT

                  14-1-2015